top of page

Vì sao bạn nên viết từ bây giờ?



Vì sao bạn nên viết ư? Để trở thành một người thành công và giàu có chẳng hạn? Hoặc trở thành cây bút nổi tiếng với hàng ngàn vạn độc giả ngóng chờ mỗi khi bạn ra tác phẩm mới? Có lẽ là không rồi nhưng... biết đâu, phải không. :))

Việc viết ở đây không nhất thiết chỉ là công việc của một nhà văn hay một nhà báo. Bạn có thể viết dù bạn là bất cứ ai. Nó giống như cái cách mà ai cũng có thể làm là viết nhật ký, hay up story vậy. Nó xuất phát một cách rất tự nhiên. Việc viết bắt đầu từ những thứ thường nhất. Và rồi bạn sẽ yêu viết khi nhận ra viết trở thành một nhu cầu của bạn.

Nhu cầu viết cũng giống như bao nhu cầu khác, như ăn, ngủ, đánh răng... nó giúp giải quyết một vấn đề nào đó của bạn.


Viết giúp bạn tổ chức lại tư tưởng tốt hơn.

Viết đòi hỏi bạn phải áp đặt một kỷ luật lên suy nghĩ cũng như cảm xúc của bạn. Khi viết bạn bắt đầu tổ chức lại những suy nghĩ của mình để viết chúng một cách rành mạch ra trang giấy. Đây là cách để bạn sắp xếp lại suy nghĩ hỗn độn trong đầu mình. Nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và chọn lọc những gì mình sẽ viết ra. Bạn không thể chọn tất cả được.

Khi viết đã thành một thói quen, bạn cũng hình thành thói quen tổ chức tư tưởng rành mạch hơn. Bạn sẽ nhìn nhận sự vật một cách sáng rõ hơn. Sở dĩ khi ta nhận thức một vấn đề nhưng không tìm ra mấu chốt vì ta có tư tưởng, hiểu biết về nó đó. Nhưng không theo một trình tự rành mạch nào cả. Chúng cứ hỗn độn trong đầu ta. Điều này khiến ta khó nhận thức vấn đề hơn. Và viết giúp ta bằng cách tổ chức sắp xếp lại mọi thứ một cách trật tự và rành mạch.

Trong cuốn tôi TÔI TỰ HỌC của tác giả Nguyễn Duy Cần cũng có đoạn nói về vấn đề như vậy: “Thật vậy, làm văn hay tức là biết tư tưởng đúng đắn mực thước, tức là biết phân tích tinh tế tình cảm của mình, tức là biết dừng danh từ đúng với tình ý và tư tưởng mình, nghĩa là biết so sánh, cân nhắc, biết dùng những câu văn sáng sủa mà hàm súc,...” Quả thật, mỗi lúc ta viết văn tốt hơn cũng là khi ta đang tư tưởng sáng suốt hơn nhờ vào việc viết văn đó.


Viết giúp bạn cân bằng lại cảm xúc.

Suy nghĩ là một sự đáp lại của cảm xúc. Ví dụ khi bạn bị ba mẹ la mắng. Bạn cảm thấy thật tổn thương. Sự tổn thương này tác động đến tâm trí bạn và rồi bạn bắt đầu suy nghĩ về nỗi đau này. Vậy suy cho cùng thì viết cũng không gì khác hơn là cách bạn tổ chức lại những cảm xúc của mình vậy.

Viết ra là một cách hay giúp bạn tự trị liệu tâm lý cho mình. Khi viết ra những gì sâu thẳm nhất trong lòng bạn mà không tiện nói thành lời, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đó cũng là lý do nhiều người có thói quen viết nhật ký hoặc up một dòng status đầy tâm trạng nhưng đôi khi chỉ để chế độ riêng tư cho một mình bản thân đọc được.

Viết cũng giúp bạn loại bỏ những sự vướng mắc trong đầu. Bạn nên thử đặt bút xuống mỗi khi gặp vấn đề, thất bại, khi chịu một tổn thương, hoặc khi thất tình (như tôi lúc trước chẳng hạn). Nó là một liều thuốc giảm đau và là cơ hội để bạn hồi phục. Viết ra nỗi khúc mắc trong lòng không chỉ khiến bạn thấy nhẹ nhõm hơn, mà bạn còn là một cơ hội nhìn lại mọi việc với một góc nhìn khác khi đã bình tĩnh hơn. Bạn cũng có thể tìm thấy vài điều mới mẻ khi viết mà trước đó bạn không hề nhận ra vì bị cảm xúc lấn át.


Viết giúp bạn nhận thức lại bản thân, và dần hiểu mình hơn

Phần này xin phép được nói về chính bản thân tôi.

Từ ngày tập tành viết blog tôi nhận ra 2 con người hoàn toàn khác nhau trong chính bản thân mình. Một là con người với những vỏ bọc dày cộm, xù xì, được đem ra như một phương thế cứu cánh để phòng vệ trong một xã hội nhiều xô đẩy mà chậu cũng đẩy bây giờ. Và còn có một con người khác, vẫn là chàng trai chưa lớn nổi ngày nào, ngây ngô, dụt dè nhưng hoàn toàn chân thật.

Chẳng biết từ khi nào, tôi dần để lạc mất cái con người chất phác ấy và để cho con người còn lại kia với những lớp vỏ bọc ngự trị bản thân. Thực ra, người còn lại kia cũng chẳng hề muốn sống như vậy. Chỉ là anh ta phải chịu những áp lực từ lề lối, quy tắc, chuẩn mực của xã hội, của thế giới người lớn nên mới khiến người đó trở nên như vậy. Đôi lúc anh ta cũng rất mệt mỏi và khó chịu vì không được sống đúng là mình lắm chứ.

Khi viết bạn có cơ hội nhìn sâu hơn vào từng lớp suy nghĩ của mình, bạn sẽ nhận ra đâu là suy nghĩ thực của mình, và đâu là lối suy nghĩ do khuôn khổ gò ép lên. Nhờ vậy bạn cũng có cơ hội để hàm dưỡng và cổ vũ phần chân thật nhất trong mình.

Điều này cũng giống như trong đoạn sau:

“ Văn là người. Người mà tâm hồn chất phác thật thà thì văn cũng chất phác thật thà. Tư tưởng mà được hàm dưỡng thì lời văn hàm súc sâu xa. Cho nên học làm văn, cần phải học làm người trước hết.”

Cũng vì như vậy, tôi dần học cách để sống chân thật với mình nhất có thể (dĩ nhiên nó vẫn phù hợp với khuôn khổ nhất định) để lời văn của mình được viết ra tốt hơn. Và ngược lại cũng chính nhờ vào việc viết thường xuyên hơn để dần tìm lại cách sống chân thật với mình hơn.



Kết luận

Nếu bạn từng có ý nghĩ mình sẽ viết thứ gì đó hoặc thích viết lâu rồi nhưng vì nhiều lý do bạn chưa thực hiện, đừng gò ép bản thân phải viết mấy nghìn từ một ngày hay mỗi ngày dành vài tiếng cho việc viết. Không hiệu quả đâu, bạn chẳng thể làm tốt nhất điều mà bạn không thích hay không muốn bao giờ cả.

Hãy cứ để việc viết của bạn đến một cách tự nhiên. Dần dần cảm nhận nó đến từ nhu cầu của ban, nhu cầu được viết. Rồi bạn sẽ tự cảm thấy thích nó và dành nhiều thời gian cho nó hơn. Đến lúc đó hãng bắt đầu đặt những kỷ luật cho việc viết của bạn để phát triển nó tốt hơn.

Nguồn tham khảo:

_Sách TÔI TỰ HỌC của tác giả Nguyễn Duy Cần

_Bài viết “ Why everyone should write” của Niklas Goke

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page