“N: Này cậu, tớ... nhờ cậu... một việc này được không? Một cô gái dáng người mảnh khảnh tiến tới và ngập ngừng.
Tôi: Ừm. Sao thế cậu.
N: Tớ muốn bỏ học đại học. Cậu có thể cho tớ lời khuyên được không?
Tôi:...???!!! ”
Đấy là cách mà cô bạn cùng lớp bắt đầu câu chuyện “ muốn bỏ đại học” với tôi, và chuyện xảy ra cách đây đã một quãng thời gian về trước. Xin phép được giấu tên bạn nữ này. Tôi còn nhớ thật rõ khung cảnh hôm ấy, trong nhà thi đấu của trường, cái cảnh nhốn nháo, và có phần ồn ào sau tiết học thể dục . Lúc này tôi chuẩn bị ra về thì một cô gái với dáng người mảnh khảnh tiến tới chỗ tôi. Rồi sau vài phút ngập ngừng, cậu cũng nói cho tôi biết ý định của mình và đang cần ở tôi một lời khuyên.
Còn nhớ, lần đầu chúng tôi gặp nhau là ở ngay cổng trường đại học, khi tôi có ý tốt báo với cậu là lớp học hôm nay được nghỉ thì lại bị nhận lại một phản ứng khá phũ kiểu: “ ...Ờm... Cậu học lớp nào thế.”. Tôi cảm giác mình như thằng nhận vơ trong cảnh đang rất nhiều người qua lại vậy.
Hoá ra, cậu ấy chưa nhớ ra tôi là bạn cùng lớp đại học. Những gì tôi biết về cậu lúc trước là sống khá khép kín, dè dặt, số người nói chuyện được trong lớp của cậu mà tôi để ý thấy cũng chỉ có 2,3 người. Vậy mà lúc này đây cậu lại tới trực diện với tôi và xin một lời khuyên về việc bỏ đại học. Việc này đã đủ khiến tôi thấy thật bất ngờ.
Và cả một phần thật tình cờ và thật bất ngờ hơn nữa, là cậu lại đặt câu hỏi như vậy cho một người từng có ý định bỏ đại học vào hồi năm nhất như tôi. Hồi đó là một câu chuyện dài, tôi sẽ kể cho bạn sau nếu có dịp, và dĩ nhiên là nếu bạn muốn nghe J.
Có lẽ cậu thấy tôi từng định bỏ học nên kiểu gì cũng có chút kinh nghiệm đây mà, dù gì người đi trước cũng biết nhiều hơn. Tôi tự nhủ trong đầu mình là như vậy.
Muốn “Bỏ học đại học” phải xem kĩ nguyên do trước
Hai chúng tôi ngồi lại trên băng ghế trong nhà thi đấu khi các bạn cùng lớp đã ra về hết. Tôi bắt gặp một nét mệt mỏi, và chán nản trong ánh mắt của cậu. Dường như cậu đã bị dằn vặt bởi một ý định nào đó trong suốt một quãng thời gian. Nếu bạn từng trải qua cảm giác dằn vặt nào tương tự chắc hẳn sẽ hiểu nó khiến bạn mệt mỏi và khổ sở đến độ nào.
Sau một hồi hỏi han chi tiết tôi cũng phần nào hiểu được lý do khiến cậu muốn bỏ đại học.
Dựa vào quan sát bản thân, cũng như tìm hiểu ở một số người bạn đã bỏ đại học mà tôi tiếp xúc và chơi cùng. Tôi thường thấy bỏ đại học thì có nhiều lý do, mỗi người lại một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung lại thì có 3 lý do chính:
· Vấn đề thuộc về việc định hướng ban đầu. Bạn vốn dĩ không thích trường này, chỉ là hồi đăng kí nguyện vọng thì không biết đăng kí trường nào, thấy có người tư vấn, hoặc tìm hiểu một chút trên mạng thì liền điền vào. Ở vấn đề này thì dễ hiểu, bạn không thích ngành đó, khi bắt đầu học lại bị tương cho mấy môn đại cương chán ngắt vào mặt.Thì... nản là dể hiểu. Nếu bạn tiếp xúc được với chủ đề hướng nghiệp sớm khi học phổ thông, có lẽ điều này sẽ ít xảy ra.
· Bạn thấy mình không hợp ngành này. Việc này thường xảy ra khi bạn bắt đầu học những môn chuyên ngành. Có thể bạn thấy mình không thích kĩ thuật, bạn muốn kinh doanh, hoặc làm nghệ thuật, và ngược lại. Có thể bạn đúng hoặc, bạn chỉ đang đứng núi này trông núi nọ.
· Vấn đề về tài chính. Vấn đề này thì theo mình thấy không nằm ở phần đông những bạn muốn bỏ đại học. Vì đa số những bạn đi học đại học vẫn được bố mẹ chu cấp tiền. Tuy vậy một số bạn, vào những trường hợp đặc biệt, hoặc đơn giản là thích tự lập, phải tự kiếm tiền để trả tiền học đại học cũng như ăn ở.
· Vẫn còn có lý do khác mà mình chờ bạn bổ xung.
Cô bạn của tôi thì xui thay là dính hết cả ba cái trên. Dắc dối thế chứ lại.
Mình thích thì mình chọn thôi
Đầu tiên là khi đăng kí nguyện vọng, cậu đăng kí lấy 2 trường nhưng trường này cao điểm hơn nên vào học thôi. Cũng không phải là thích gì nhiều.
Tình trạng này có lẽ cũng xảy ra ở nhiều bạn. Nó như kiểu, bạn sắp chết đuối thì tay vớ được một cọng dây. Theo phản xạ thì liền nắm chặt lấy sợi dây ấy. Nhưng bạn đâu có biết, đó là sợi dây cứu mạng, hay có thể là một con rắn đang chờ để cắn vào tay bạn đâu.
Tiếp theo cậu chia sẻ, lý do thứ 2 mà cũng là hệ quả của lý do đầu. Khi học thì phát hiện ngành học không phù hợp với bản thân. Cậu nói ngành này học áp lực hơn cậu nghĩ. Tính chất ngành học kĩ thuật chúng tôi học vốn khô cứng cũng như tiêu hao nhiều sức lực, thức khuya, chạy deadline, và lụt là chuyện cơm bữa.
Kinh khủng hơn, tuần suất từ bỏ cuộc sống của sinh viên ở trường thì mỗi năm là một người suốt từ năm tôi chuẩn bị thi vào trường đến tận thời điểm đó. Cái này thì hơi ngoài lề, người vì áp lực học tập, người vì lý do khác nên tôi thôi không phân tích sâu. Tối về ngủ mơ thì chết. Sợ lắm.
Đừng vì sợ quá mà dừng đọc nhé.
Quay trở lại nào, giờ hãy thử tưởng tượng trong trường hợp là bạn, nếu không có hứng thú với một ngành học, nhưng lại chịu những áp lực như vậy, liệu bạn sẽ kiên trì việc học này trong bao lâu... cho bạn chút thời gian suy nghĩ đó...
...
Rồi tiếp tục nào. Con người thì ai chả thích làm điều mình thích đúng chứ, nhưng liệu chỉ có thích có đảm bảo được rằng bạn sẽ không nản chí hay bỏ cuộc vào một lúc nào đó.
Lúc nào chả có thứ mình không ưa nổi, đừng vì ích kỷ mà ném tiền
Với quan điểm của tôi lúc đó dành cho cậu, tôi nghĩ ngành nào đi nữa, dù mình không thích hay thích thì sẽ luôn có phần mà mình không hề thích trong đó. Lấy ví dụ về ngành học kinh tế, bạn có thể thấy hào hứng khi nghĩ về những chiến lược kinh doanh hiệu quả, những ý tưởng đột phá doanh thu, nhưng rồi cũng có lúc bạn sẽ phát ngán lên khi vẫn phải dành hàng giờ đồng hồ cho những công việc hồ sơ trong một văn phòng chán ngắt.
Tôi cũng có phần đồng cảm với sự chán học của cậu lúc đó, vì tôi cũng từng trải qua. Phải học ngành mà mình không thích trong một thời gian dài là một việc làm khiến mình phải chịu một áp lực khá lớn. Bởi vì lúc này bạn đi học vì nỗi sợ, chứ không phải vì niềm vui. Bạn có thể vẫn đi học đều, nhưng đầu óc bạn thì đi xa chỗ đấy lắm rồi.
Tệ hơn bạn có thể bỏ học thường xuyên, bỏ luôn cả thi. Và việc này tệ vì sao, đơn giản hãy xem ở trang tín chỉ trường bạn xem số tiền mà bạn phải bỏ ra cho những môn học đó. Trung bình cũng cứ là mấy trăm nghìn một tín chỉ rồi, có môn hơn cả triệu bạc là bình thường.
Bạn có thể xem số tiền đó chẳng là gì, nhưng đó là mồ hôi công sức của bố mẹ bạn bỏ ra để cho bạn ăn học đàng hoàng. Và rồi bây giờ bạn như ném số tiền đó qua cửa sổ một cách nhẹ nhàng bằng việc đi ngủ... vào ngày phải đi thi.
Nếu biết áp lực không bao giờ hết, bạn chọn bỏ học hay học cách làm quen với nó.
Đôi lúc bạn mệt mỏi, áp lực của đại học chỉ khiến bạn muốn bỏ quách học đi cho rồi. Nếu bạn làm vậy thì sao, bạn sẽ không còn áp lực của việc học nữa. Vậy là nhẹ nhõm rồi phải không?
Nhưng không, bạn lại bắt đầu chịu một dạng áp lực khác, đó là từ gia đình bạn. Bạn phải đối mặt với bố mẹ thế nào, bạn có dám ngồi xuống nói chuyện trực diện với họ về quyết định của mình không. Nếu dám làm vậy, thì tôi sẽ xem xét quyết định bỏ học của bạn một hướng tích cực hơn.
Tiếp theo là gì, áp lực từ chính cuộc sống, bạn có nguy cơ trở thành kẻ thất nghiệp sau khi đã thất học. Cơm áo gạo tiền bắt đầu đè nên đôi vai bạn, bạn sẽ làm gì để kiếm sống.
Hoặc rồi có lẽ bạn sẽ tìm được một công việc gì đó để kiếm ra tiền. Và công việc thì luôn là nơi đem lại áp lực không nhỏ cho bất cứ ai trong cuộc sống. Ta dành 1/3 cuộc đời mình cho nó cơ mà. Và tôi tin nó lớn hơn áp lực ở đại học khá nhiều. Vậy giờ lại tiếp tục gặp áp lực, bạn có lại bỏ cuộc tiếp hay không, ngày trước bạn đã chọn bỏ cuộc khi mà áp lực còn chưa lớn đến thế này cơ mà.
Vậy rồi kết luận đầu tiên là: Áp lực không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Đừng khiến bản thân thành kẻ thấy áp lực là bỏ cuộc. Không thì bạn sẽ mãi lặp lại điều đó thôi.
Vậy là quan điểm rõ ràng rồi nhá, đừng vì áp lực đại học mà trở thành thất học. Ok!
Đại học và đam mê có thể sống chung được với nhau
Tiếp tục với việc trải lòng của cô bạn này, cậu nói dạo gần đây cậu tìm hiểu và thấy thích công việc digital paiting và muốn dành nhiều thời gian hơn để học về nó, nhưng việc học trên trường cũng như việc làm thêm chiếm quá nhiều sức lực và thời gian của cậu. Cậu nghĩ có lẽ việc bỏ đại học là một giải pháp cho việc này.
Nghe có vẻ hợp lý nhưng mình lại thấy nó vô cùng không thuyết phục. Có thể kia sẽ là hướng đi mới cho bạn, chỉ có một vấn đề là nếu cậu bỏ học bây giờ và dành toàn thời gian cho việc học vẽ của cậu. Liệu cậu có dành cả ngày trừ lúc ăn ngủ ra để học nó không.
Và cậu đã trả lời là không. Nếu vậy thì tôi đưa ra một đề xuất là việc học vẽ của cậu vẫn có thể diễn ra song hành với việc cậu học đại học. Tư duy đơn giản của tôi thì có lẽ sẽ không hợp ý nhiều người. Tôi suy nghĩ dựa trên độ rủi ro thiệt hơn, việc bỏ đại học là quá mạo hiểm nếu chỉ vì muốn học vẽ. Tôi sẽ giải thích ngay đây.
Ở đại học bạn sẽ nghĩ đến chuyện lấy một tấm bằng. Và tấm bằng này thời nay không còn được đánh giá cao như trước đây nữa. Tôi biết khi nhắc đến 2 chữ bằng cấp, phần đông sẽ nghĩ đến hình ảnh “nhiều người bây giờ còn phải giấu bằng đi để xin việc công nhân cho dễ”. Đây đúng là 1 thực trạng của xã hội bây giờ. Tuy nhiên, ở đại học bạn đâu chỉ lấy được mỗi tấm bằng. Nếu chịu học hỏi quan sát, bạn sẽ học được nhiều kinh nghiệm và kĩ năng làm hành trang cho bạn sau này.
Vì nói cho cùng đại học cũng là một bước đệm trước khi bạn bước vào đời, và nó thì chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ cả. Bạn học sẽ là đồng nghiệp, thầy cô cũng giống cấp trên. Bạn phải học cách để hoà đồng cùng với mọi người, đánh giá và chọn người làm bạn cũng là một kĩ năng, tìm cách làm hài lòng giáo viên cũng như sau này sẽ làm hài lòng sếp bạn vậy... và vân mây thứ khác bạn tự nghiệm. Cộng thêm công việc mà cậu thích biết đâu sau này với một tấm bằng đại học sẽ giúp nó có cơ hội phát triển tốt hơn.
Vậy đấy, kết luận thứ 2 là: Đại học cũng là một xã hội thu nhỏ. Hãy tận dụng môi trường đại học để nó giúp cho tương lai của bạn chứ không phải dìm bạn xuống.
Bạn còn ở đấy chứ, nếu còn muốn xem lý do thứ ba của cô bạn này thì đọc tiếp nhé.
Mạnh mẽ lên cô gái
Đây là lý do mà mình thấy thực sự nghiêm trọng vì nó liên quan đến tài chính. Cô bạn của tôi lúc này phải tự trang trải tiền học cũng như sinh hoạt phí trong khi tôi vẫn đang ăn bám bố mẹ đều như vắt...khăn mặt. Tệ hơn lý do chính của việc này lại đến từ gia đình. Gia đình của cậu chịu một sự đổ vỡ, và rồi sau đó là phụ huynh cậu cũng không mong muốn cậu học đại học.
Nghe đến đây, tôi không kìm được lòng ngưỡng mộ trước cô bạn có thân hình mảnh khảnh này. Ẩn trong dánh hình hơi chút yếu ớt lại là một cô bạn kiên cường, mạnh mẽ và tự lập đến vậy trong khi tôi thì...thôi không nhắc nữa. Buồnzzzz.
Mặc dù vậy, tôi vẫn mong cậu tiếp tục cố gắng, vì cậu đã cố gắng được hơn nửa chặng đường rồi. Cậu cũng cho hay phụ huynh cậu cũng đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ về việc học của cậu sau đó, giờ họ lại thấy tự hào về việc học này của cậu. Và nếu hôm nay cậu quyết định dừng lại, mọi cố gắng của cậu thời gian qua trở nên vô nghĩa. Over.
Ở thời điểm đó, có lẽ cũng có nhiều bạn sinh viên chọn cho mình một công việc làm thêm. Mục đích có thể là có thêm một khoản sinh hoạt phí, cao cả hơn là học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng sống. Nhưng cô bạn của tôi thì chọn việc làm thêm là cách duy nhất giúp cậu được đi học đến hôm nay. Dù nhiều lúc khó khăn phải vay mượn tiền bạc, cậu cũng thấy, sao mà mình cực quá. Nhưng rồi cậu vẫn chọn việc bước tiếp đến hôm nay.
Rồi sẽ chẳng ai thấy được cậu đã nỗ lực ra sao, dù cậu có mệt mỏi thế nào đâu. Mọi người sẽ chỉ nhìn thấy kết quả sau cùng của cậu. Thành công hoặc thất bại. Vậy sao không đi nốt đoạn đường còn lại để chứng minh cho phụ huynh và mọi người thấy cậu mạnh mẽ và kiên cường thế nào. Mọi việc sẽ luôn có cách giải quyết, chỉ cần cậu chọn nhìn vào điều tích cực thôi.
Kết luận 3:... thôi không kết luận ở lý do thứ ba này nữa. Đoạn này đang xíc động. Mình sẽ để cho bạn tự có những suy nghĩ và cảm nhận riêng của mình.
Hồi kết
Sau buổi trò chuyện hôm đó, chúng tôi chia một người một ngả để trở về nhà. Tôi không biết cô bạn này liệu sẽ có lựa chọn ra sao. Một giờ đồng hồ trôi qua, rồi lại đã một ngày trôi tiếp. Tíc tắk đồng hồ... tíck tắk đồng hồ. Cuối cùng điện thoại của tôi cũng reng lên, tôi nhận được một dòng tin nhắn : “ Tớ sẽ tiếp tục học đại học, cảm ơn cậu”.
Vẫn là phong cách ngắn gọn, xúc tích y như ngày đầu chúng tôi gặp nhau. Tôi thấy mình nở một nụ cười mãn nguyện. Trong lòng bỗng thấy có chút rạo rực, vì sao thì rất khó giải thích. Hy vọng bạn của tôi có thể giữ vững niềm tin vào bản thân, tiếp tục mạnh mẽ vượt qua những khó khăn đang chờ phía trước.
Hồi kết của hồi kết “ bỏ học đại học”
Nếu bạn đang mong chờ cái kết khác thì có thể đọc 1 bài viết mình thấy rất hay của bạn Eiranguyen về những cảm nhận của bạn sau khi bỏ đại học: https://spiderum.com/bai-dang/U-thi-su-that-la-toi-vua-bo-hoc-dai-hoc-fpm
Tóm cái váy lại, quyết định học hay bỏ học đại học vẫn là ở bạn. Bởi vì bạn chính là người hứng chịu hậu quả hoặc hưởng vinh quang sau này cho lựa chọn của mình hôm nay. Mình cũng không hưởng ké của bạn được.
Đại học luôn có những mặt tốt của nó, bên cạnh đó thì dĩ nhiên là còn mặt hạn chế nhất định. Cứ chọn theo con tim bạn, nhưng hãy chắc chắn là con tim bạn hoàn toàn kiên định với lựa chọn đó. Dù sao trong tương lai ta cũng không biết sẽ có gì đang chờ mà...
Bên trên đều là ý kiến chủ quan cá nhân của mình trước một câu chuyện có thật, có thể bạn đồng tình hoặc có một ý kiến khác. Rất mong các bạn có thể đưa ra ý kiến của bản thân cho vấn đề này. Mình rất muốn nghe ý kiến từ nhiều phía khác nhau, từ người đang học đại học, đã ra trường và cả người không chọn học đại học hoặc đã quyết định bỏ đại học nữa. Mong nhận được ý kiến từ bạn. Thân ái và chào quyết thắng!
Comments