Bàn về việc đọc sách không còn là một chủ đề mới trong những năm gần đây, nhất là khi giới trẻ Việt Nam đang dần quan tâm tới việc đọc sách, cũng như phát triển bản thân nhiều hơn. Có lẽ sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc tới tác động to lớn của những công ty đa cấp, những khoá học phát làm giàu, phát triển bản thân góp phần khiến không ít bạn trẻ từ ham chơi lêu lổng thành người có ý chí, ham hỏi hỏi và CHĂM ĐỌC SÁCH.
Có không ít những bạn trẻ đã tham gia vào những công ty đa cấp, bỏ tiền bố mẹ cho để đi học những khoá học phát triển bản thân với những mục tiêu cao cả, những sứ mệnh tuyệt vời, đó là trở nên thành công và giàu có. Và có một điểm chung là những người cấp trên trong các công ty kia hoặc các khoá học phát triển đều cho bạn một lời khuyên từa tựa: muốn thành công hãy đọc nhiều sách để có tư duy của người thành công.
Xét trên mặt tích cực, mình thấy nó có phần đúng. Chỉ có điều, những người cấp trên kia, hoặc những diễn giả lại không cho bạn biết, đọc nhiều sách cũng có thể khiến bạn trở thành người có tư duy của một TÊN THẤT BẠI.
Đọc sách mà không có một suy nghĩ khác tư tưởng trong sách, không đọc còn hơn
Bạn cho là tác giả viết sách đã tư duy như vậy, hành động như vậy, chỉ cần bạn làm theo thì cũng sẽ có kết quả như họ. Có những cuốn mà tác giả đã qua đời từ rất lâu nhưng vẫn được giữ lại và lưu truyền. Lấy như những cuốn của Lão Tử, hay Khổng tử, còn được rất nhiều người ca tụng. Sở dĩ được như vậy là vì trong tư tưởng đó có những giá trị nhân sinh quan nhất định, có thể ứng dụng cho hiện tại. Nhưng nếu đem nguyên tư tưởng đó đặt vào cuộc sống hiện tại xem. Bạn sẽ thấy nó không còn phù hợp nữa, lấy như tư tưởng trung quân ái quốc hay tam tòng tứ đức ra, là tiêu chuẩn thời phong kiến mà áp cho tiêu chuẩn xã hội bây giờ, xã hội sẽ ra sao và bao nhiêu người phụ nữ phải chịu kiếp sống khổ sở.
Đọc sách đừng ảo tưởng
Có một phần lớn những người đã thất vọng sau khi tham gia vào các công ty đa cấp, các khoá học vì thấy những gì mình nhận được chỉ là con số không sau những nỗ lực bỏ ra, đọc sách để có tư duy người thành công. Vậy tại sao họ lại không có kết quả. Đầu tiên bạn đọc sách và sau một thời gian, bạn thấy mình giao tiếp tốt hơn, nhiều người nói bạn có hiểu biết hơn. Điều này khiến bạn vui và tự hào, đây cũng là động lực lớn khiến bạn đọc nhiều hơn. Sau một thời gian, bạn thấy mọi thứ đứng yên và mình không có vẻ tiến bộ gì. Vì những gì bạn làm thực chất là đọc và tin vào những viễn cảnh tươi đẹp màu hồng mà tác giả nêu ra. Bạn không thèm chấp nhận cái hiện tại không có gì cả của mình và sống mãi trong mộng tưởng đó. Dần dần bạn thấy sự kết nối của mình với mọi người xung quanh kém dần. Vì người ta ai lại thích nói chuyện với mấy kẻ ảo tưởng cơ chứ. Và cả vì chính bạn cũng coi nhẹ những người không có cùng tư tưởng lớn như mình. Tiếp theo bạn sẽ nhận ra mình chẳng thực sự có năng lực gì nổi trội cả, sau ngần ấy thời gian. Vì bạn có hành động đâu, bạn chỉ thích nghĩ về những điều tuyệt vời hơn hoặc bận dành thời gian cho khoá học làm giàu tiếp theo. Rồi cuối cùng, để bù vào sự thất vọng đó, bạn tiếp tục đọc, để được chìm đắm vào một thế giới tươi đẹp hơn chứ không phải thực tại. Và vòng quay ấy cứ lặp lại cho đến khi bạn chợt nhận ra, sau bao thời gian cố gắng, nỗ lực, con người mà bạn trở thành bây giờ là một kẻ lười biếng và ảo tưởng.
Đọc sách phải biết “ tiêu hoá”
Tại sao ư? Vì sách có thể là tinh hoa nhân loại nhưng cũng chỉ là các góc nhìn hay suy nghĩ chủ quan của tác giả. Ta đọc nó, ta có thêm một góc nhìn, nhưng đừng thần thánh hoá cuốn sách hay tác giả đó quá. Ta đọc sách để tăng thêm suy nghĩ làm cho trí óc vận động chứ không đọc để suy nghĩ máy móc như một con robot. Sách là một loại thực phẩm cho trí não. Đọc sách giống như việc tiêu thụ thức ăn cho cơ thể vậy, vậy ăn mãi mà không tiêu hoá thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cơ thể ta sẽ sinh nhiều bệnh tật. Ví việc đọc như việc ăn thì việc suy nghĩ của ta cũng như việc tiêu hoá vậy, cụ thể ở đây là những so sánh, nhận xét và đánh giá của ta. Đọc nhiều mà không suy nghĩ cũng không khác gì việc ăn mãi mà không tiêu hoá. Nhiều người đọc nhiều sách thực chất lại là những người lười suy nghĩ nhất. Hoặc có một loại khác là nói được 3 câu thì phải thở ra một câu ít nhất từ sách này sách nọ.
Bây giờ phải đọc sách như thế nào cho đúng.
Vậy trong thời đại người đọc sách tăng dần lên nhưng người biết suy nghĩ thực sự thì lại giảm dần, bạn cần học cách để không bị cuốn vào so với số đông ấy. Mình cũng đề xuất bạn hãy xem xét, và so sánh đánh giá quan điểm của mình chứ đừng tin tưởng tuyệt đối vào nó. Như đã nói ở trên đọc sách phải biết tiêu hoá, bây giờ mỗi khi đọc sách bạn cần ghi nhớ mình cần chất lượng chứ không phải số lượng:
· Đọc một cuốn sách, đầu tiên hãy đọc như cách bình thường bạn vẫn đọc để hiểu tư tưởng của tác giả và tránh định kiến. Nên đọc liền mạch và tránh đứt quãng.
· Sau rồi, đọc lại lần nữa với tư tưởng của một nhà báo hoặc một thám tử để moi móc, soi xét vấn đề. So sánh quan điểm ấy với quan điểm của bản thân mình và các tác giả khác, xem giống nhau chỗ nào, khác biệt ở đâu. Cũng xem mỗi luận điểm tác giả đưa ra dựa trên chứng cớ gì, liệu chứng cớ ấy có xác thực hay không, liệu có phải chỉ là ước định của tác giả.
· Cuối cùng quan trọng hơn cả là đem những điều rút ra được từ sự soi sét của bản thân ứng dụng vào thực tế, xem nó có hiệu quả không và rút ra bài học riêng của bạn. Bạn sẽ nhận thấy giữa thực tế và sách có những khác biệt rất lớn, và để kéo gần khoảng cách đó thì lại dựa vào nguồn lực của bạn, chính thế cùng đọc một cuốn sách nhưng bạn và người khác sẽ có kết quả khác nhau.
Sau cùng, các bước trên chỉ là một tham khảo, và để áp dụng nó cũng cần bỏ chút cố gắng để luyện tập, dần dần bạn mới có thói quen quan sát mọi vật một cách đa chiều và ít tính chủ quan hơn.
Comments